Những điều cần biết về căn bệnh xoắn tinh hoàn
Một trong những cách điều trị bệnh xoắn tinh hoàn thông dụng nhất là thông qua phẫu thuật. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp có thể chữa hết bệnh mà không cần phẫu thuật nhưng rất hiếm.
Xoắn tinh hoàn là gì?
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh (cuống của tinh hoàn) bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn, gây hậu quả là tinh hoàn bị thiếu máu hoại tử. Nếu điều trị không kịp thời thì sẽ dẫn đến phải cắt bỏ tinh hoàn.
Tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của bệnh này. Đến khám bệnh muộn sau khi xoắn tinh hoàn xẩy ra hay chẩn đoán nhầm với những bệnh khác là lí do dẫn đến việc cắt bỏ tinh hoàn.
NGuyên nhân và lứa tuổi hay gặp
Với một đặc điểm là bệnh xẩy ra ở lứa dậy thì (khoảng 67% trong độ tuổi từ 16-25). Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra xoắn tinh hoàn là ở mọi lứa tuổi. Căn bệnh này cũng liên quan đến yếu tố di truyền mà trong giới y học gọi là “sự dị dạng quả lắc chuông”. Nói một cách dễ hiểu là do cấu tạo dây tinh hoàn và dây dịch hoàn khiến chúng dễ bị xoắn vào nhau.
Với một người, khi đã xảy ra xoắn 1 bên tinh hoàn thì bên kia cũng dễ có nguy cơ bị xoắn nốt..
Tinh hoàn bị hoại tử do xoắn thừng tinh
Sự nguy hiểm của chứng bệnh xoắn tinh hoàn:
Xoắn tinh hoàn thực sự là một tình huống nghiêm trọng và khẩn cấp bởi nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến một bên hoặc cả 2 bên không còn thực hiện được chức năng của mình.
Xoắn tinh hoàn thường đòi hỏi phải phẫu thuật khẩn cấp. Nếu được điều trị trong vòng 8 – 12 giờ từ khi bắt đầu có triệu chứng xoắn, tinh hoàn có thể giữ lại được.
Nhưng nếu để lâu hơn mà không được cấp cứu, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn gây ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Nếu rơi vào tình trạng lưu lượng máu không cung cấp đến tinh hoàn quá lâu, tinh hoàn có thể bị hoại tử và cần phải cắt bỏ.
Hậu quả của chứng xoắn tinh hoàn không được điều trị kịp thời là tinh hoàn không còn tạo ra tinh trùng hoặc tiết tố nam.
Nếu chỉ có một bên tinh hoàn bị ảnh hưởng, bên còn lại sẽ tạo ra lượng tiết tố nam bình thường, tuy nhiên nguy cơ vô sinh thì rất cao do cơ thể tự tạo ra tế bào tấn công tinh trùng và tiêu diệt chúng.
Nếu cả 2 bên tinh hoàn đều bị hủy hoại thì người bệnh sẽ bị thiếu hụt cả nội tiết tố nam và khả năng sinh sản. Nếu không được bổ sung tiết tố, họ sẽ mất dần ham muốn tình dục, mất khả năng cương cứng và phát triển nữ tính nhiều hơn.
Các triệu chứng điển hình của bệnh
Tinh hoàn bị thiếu máu do xoắn thừng tinh
Đau bìu cấp: Đột ngột người bệnh thấy đau bìu một bên, đau với cường độ rất mạnh có thể có vã mồ hôi, càng ngày càng tăng. Đau có thể lan lên bụng dọc theo hướng của thừng tinh hoặc lan xuống đùi. Đau có thể xảy ra bất kì lúc nào nhưng thường hay xảy ra vào ban đêm, lúc nửa đêm, về sáng.
Kèm theo đau bệnh nhân có thể có nôn hoặc buồn nôn.
Có thể có rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt hoặc tiểu rắt
Thông thường bệnh nhân không có sốt hoặc sốt nhẹ
Bìu sưng to, đỏ, sờ vào rất đau. Nếu khám kĩ sẽ thấy tinh hoàn bị kéo lên cao trong bìu.
Trong trường hợp tinh hoàn bị đau rồi đột ngột khỏi mà không cần điều trị thì có thể là do tinh hoàn bị xoắn sau đó tự tháo xoắn. Tuy nhiên, trường hợp này vẫn cần có sự can thiệp của bác sĩ để ngăn chặn nguy cơ xoắn tinh hoàn lần tiếp theo.
Điều trị bệnh xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là cấp cứu ngoại khoa. Thời gian chuẩn để điều trị bệnh xoắn tinh hoàn theo các bác sĩ là trong vòng 6 giờ đầu tiên tính từ khi có biểu hiện đau. Trong vòng 6 giờ đầu, khả năng “cứu” được tinh hoàn nguyên vẹn như cũ là 100%. Còn nếu đến trong khoảng 6-12 giờ thì khả năng chỉ còn 50%. Nếu kéo dài từ 12-24 giờ thì chỉ còn 20% thành công. Còn nếu trên 24h thì hi vọng là bằng 0%.
Một trong những cách điều trị bệnh xoắn tinh hoàn thông dụng nhất là thông qua phẫu thuật. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp có thể chữa hết bệnh mà không cần phẫu thuật nhưng rất hiếm.
Mục đích của việc phẫu thuật là để cứu tinh hoàn. Bệnh nhân được gây mê và làm một đường rạch da nhỏ ở bìu. Sau khi tháo xoắn, tinh hoàn được cố định vào thành của bìu bằng ít nhất hai mũi chỉ không tan để tránh xoắn tái diễn về sau. Nếu xác định tinh hoàn đã hoại tử thì phải cắt bỏ và gắn tinh hoàn giả cho thẩm mỹ. Sau khi bị cắt bỏ một tinh tinh hoàn thì khả năng sinh sản của nam giới vẫn được duy trì nhưng những người này nên hạn chế chơi các môn thể thao có khả năng gây tổn thương đến tinh hoàn còn lại.
Leave a Reply